Nhóm của Hoàng
Hoàng có nhiều bạn thân chơi cùng
một hội. Ngoài giờ học ra, Hoàng thường nghe nhạc
cùng các bạn, thường xem phim hay đi Disco cùng các
bạn. Hoàng cảm thấy rất ấm cúng khi được gặp bạn bè.
Thỉnh thoảng trong nhóm của Hoàng cũng có những hục
hặc, nhưng rồi nó cũng qua nhanh. Có một lần cãi
nhau thực sự, vì hút thuốc bắt đầu trở thành mốt
trong nhóm. Hoàng muốn tránh xa, vì Hoàng hiểu, đó
là cái chả có lợi gì. Mặt khác , Hoàng không muốn
sứt mẻ tình bạn và không muốn bạn bè cho mình là
thằng hèn nhát. Chính vì thế, Hoàng cũng “kéo”, cũng
nhả khói, mặc dù Hoàng có thấy ngon gì đâu!
Rồi một hôm, Hoàng huy động toàn bộ
lòng dũng cảm và tuyên bố với bạn bè rằng, sẽ không
bao giờ hút thuốc nữa. Ðức xía vào một hồi và sau đó
không ai nói gì, coi như chấp nhận Hoàng không hút
cùng nhóm nữa.
Nhưng rồi lại một hôm, Lương phát
hiện ra một thứ “tuyệt vời” – Haschisch. Thuốc lá
thì có thể thử một chút được, chứ cái loại này ,
Hoàng từ chối thẳng thừng. Hoàng cho rằng, nếu thử
sẽ rất dễ dẫn đến nghiện ngập. Ðức, Minh, Vinh rất
hay thử. Mỗi lần thử xong, cả ba đều say sưa kể về
cái lâng lâng khó tả, cái cảm giác huyền thoại
không thể nào có được trong cuộc sống thực tế. Cho
đến lúc đó, Hoàng và Hải không tham gia. Nhưng nhóm
của Hoàng có nguy cơ tan rã, vì những người hút kia
càng ngày càng khiêu khích ra mặt. Hoàng không muốn
hút, nhưng cũng không hề muốn bị coi là kẻ nhát gan
ở lứa tuổi mười lăm. Ở lứa tuổi này, một lời kích
động của bạn bè có công dụng hơn rất nhiều những lời
khuyên của thày cô và bố mẹ. Hoàng phải làm gì bây
giờ, để trọn vẹn mọi đường. Ðó là một câu hỏi có
khi vượt quá lứa tuổi các em, một câu hỏi cần sự
hướng dẫn của xã hội.
Câu hỏi:
-
Ở lứa tuổi nào
mới được coi là chín chắn? Em hiểu nghĩa chín
chắn là như thế nào?
-
Hoàng có phải là
người thích mạo hiểm không? Chi tiết nào nói lên
điều đó?
-
Ở hoàn cảnh đó,
Hoàng có những con đường nào để chọn? Em khuyên
Hoàng như thế nào?
-
Em hãy cho biết
tương lai của một người bị nghiện ngập!
-
Theo em, muốn
tránh những nguy cơ kia, thanh thiếu niên phải
làm gì?
Thành ngữ:
Thành ngữ là những từ ngữ hay được
dùng để mô tả một ý trừu tượng. Thành ngữ hay được
hiểu ở nghĩa bóng. Thành ngữ được dùng đúng lúc,
đúng chỗ sẽ làm cho câu nói sinh động hơn, tính
thuyết phục cao hơn.
Những từ gạch dưới sau đây là những
thành ngữ được dùng trong câu. Em hãy giải thích
nghĩa của những câu dùng thành ngữ!
-
Việc gì cứ phải
nghi ngờ nhau. Tôi nghĩ thà cứ ba mặt một lời
một lần cho xong.
-
Chúng ta không
thể tránh khỏi tình trạng cá lớn nuốt cá bé
trong kinh tế hiện nay.
-
Tôi không hiểu
nổi tại sao ông ta đã đầu hai thứ tóc mà
còn hành động như thế.
-
Tình hình ấy chỉ
làm cho đục nước béo cò thôi.
-
Chuyến đi của anh
ấy tuần trước thật là thuận buồm xuôi gió.
-
Những chuyện như
thế phải mắt thấy tai nghe mới tin được.
-
Tại sao cậu lại
vơ đũa cả nắm.
-
Kẻ gieo gió ắt
phải gặt bão.
-
Ðúng là cháy
nhà mới ra mặt chuột.
-
Giỏ nhà ai
quai nhà ấy, không lẫn vào đâu được.
-
Người ta thường
nói bụt chùa nhà không thiêng cơ mà.
-
Ăn được bát
cháo chạy ba quãng đồng.
-
Ðó là một con
người sớm nắng chiều mưa.
-
Một tiền gà
ba tiền thóc.
-
Nắm
người có tóc chứ ai nắm được kẻ trọc đầu.
Các em đặt tiếp những câu dùng những
thành ngữ sau đây!
Ném đá giấu tay, ù ù cạc cạc, mượn
gió bẻ măng, đàn gảy tai trâu, bán trời không văn
tự, thấy người sang bắt quàng làm họ, cờ đến tay ai
người ấy phất, mèo mù vớ cá rán,
An cư lạc nghiệp, sa cơ lỡ vận, đơn
phương độc mã, thập tử nhất sinh, tiến thoái lưỡng
nan, đồng cam cộng khổ, bất di bất dịch, phi thương
bất phú.