Bài thơ : Hai sắc hoa Ti- gôn
Một mùa thu trước mỗi hoàng hôn
Nhặt cánh hoa rơi chẳng thấy buồn
Nhuộm ánh nắng tà qua mái tóc
Tôi chờ người đến với yêu đương
Người ấy thường hay ngắm lạnh lùng
Dải đường xa vút bóng chiều phong
Và phương trời thẳm mờ sương cát
Tay vít dây hoa trắng cạnh lòng
Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài những lúc thấy tôi vui
Bảo rằng:“Hoa, dáng như tim vỡ,
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!“
Thuở đó nào tôi đã biết gì
Cánh hoa tan tác của sinh ly
Cho nên cười đáp:“Màu hoa trắng
Là chút lòng trong chẳng biến suy“
Ðâu biết lần đi một lỡ làng
Dưới trời đau khổ, chết yêu đương.
Người xa xăm quá! Tôi buồn lắm,
Trong một ngày vui pháo nhuộm
đường...
Từ đấy thu rồi, thu, lại thu
Lòng tôi còn giá đến bao giờ?
Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ
Người ấy cho nên vẫn hững hờ.
Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạnh lẽo của chồng tôi
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tim bóng một người.
Buồn quá! Hôm nay xem tiểu thuyết
Thấy ai cũng ví cánh hoa xưa
Sắc hồng tựa trái tim tan vỡ
Và đỏ như màu máu thắm pha.
Tôi nhớ lời người đã bảo tôi
Một mùa thu trước rất xa xôi...
Ðến nay tôi hiểu thì tôi đã
Làm lỡ tình duyên cũ mất rồi!
Tôi sợ chiều thu phớt nắng mờ
Chiều thu hoa rụng đỏ, chiều thu
Gió về lạnh lẽo chân mây trắng,
Người ấy sang sông đứng ngóng đò.
Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! Người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ đến loài hoa vỡ
Tựa trái tim phai, tựa máu hồng?
T.T. Kh
Ðây là một trong những bài thơ tình
rất hay thời tiền chiến (trước 1945). Tâm sự của tác
giả được gói vào bài thơ làm cho người đọc rất cảm
động. Ðó là tâm sự rất thật của một người con gái
không đạt được mục đích trong tình yêu. Phải ở với
người chồng già về thể xác, cằn cỗi về tâm hồn, nàng
thực sự khổ đau và gửi gắm toàn bộ tâm hồn cho người
tình trong bóng, trong gió, mà nàng cho là vẫn
quanh quẩn bên nàng . Nàng thờ ơ với chồng. Và sự
thờ ơ ấy không thể che mắt được chồng nàng. Vì cả
hai đều bất lực, họ đã sống cùng nhau âm thầm như
những cái bóng, một cuộc sống hình thức, đằng đẵng
kéo dài ngày nọ qua tháng kia.
Bài thơ cũng muốn tố cáo những hạn
chế của xã hội Việt nam trước kia, những lễ giáo
phong kiến kìm kẹp sự tự do của con người. Ngày nay,
khi nhìn lại hoàn cảnh lúc bấy giờ, phần lớn độc
giả đồng cảm với người phụ nữ kia. Ðiều đó chứng tỏ,
loài người đã đi được một bước dài trên con đường
giải phóng con người khỏi những trói buộc của quan
niệm.
Câu hỏi:
- Hoa Ti-
gôn gợi cho tác giả nhớ đến kỷ niệm nào?
- Em biết
gì về hoa Ti- gôn? Tại sao tuổi học trò hay
thích hoa Ti-gôn?
- Qua bài
thơ, em hiểu được gì về quan hệ yêu đương trong
thời tác giả sống?
Chính tả:
Nhầm lẫn ở đuôi từ có chữ
n – và
ng-
Sự nhầm lẫn này thường xảy ra ở các
vùng phía Nam và chủ yếu ở các vần
an, âm, iên, uôn, ươn.
Những từ dễ nhầm:
An toàn, ban phát, can ngăn, chan
hoà, man mác, san sát, băn khoăn, căn dặn, cần mẫn ,
săn bắt, lần hồi, sân chơi, vần thơ, quần áo, tuổi
xuân, hân hoan, biến hoá, liên miên, chuồn chuồn,
kiến nghị, hiển nhiên, công an, con lươn, điên loạn
...
Em hãy điền n hay ng vào chỗ chấm cho đúng!
Họ bà... bạc với nhau về bóng đá.
Trận đấu rất că... thẳng.
Nét mặt hâ... hoa... của các em nhân
ngày khai trường.
Sau trận động đất, cảnh vật rất
hoa... tà...
Anh ấy thoát nạ... trong ga... tấc.
Câ... bằ... một phương trình hóa học.
Ðiện lưới có tầ... số 50 Herz.
Người lười biế... không thể đạt được
mục đích.
Lính biê... phòng canh gác biê...
giới.
Họ thuê được một că... hộ khá kha...
tra...
Tin khủng bố làm nhiều người rất
hoa... ma...
Chọn từ để điền vào chỗ trống!
Uống / uốn
Cần phải .......... nắn những tính
không hay của trẻ nhỏ!
Bạn không nên .............. cà phê
quá đậm.
Suôn / suông
Mọi việc diễn ra đều ......... sẻ cả.
Ðó là một lời hứa .................
Khăn / khăng
Làm ăn ngày một khó ................
Giữa hai chúng tôi có mối quan hệ
..................... khít.
Phân biệt
d và
gi
Qua cách đọc, rất khó phân biệt
d và
gi . Nhưng viết
chính tả, chúng ta cần phải viết đúng.
-
Nếu tiếng đầu là
d thì tiếng láy
thứ hai của nó phần lớn cũng là
d
-
Nếu tiếng đầu là
gi thì tiếng láy
thứ hai của nó phần lớn cũng là
gi
Cần ghi nhớ những từ sau đây:
da diết, dai dẳng, dại dột, dạn dày,
dào dạt, dặn dò, dằng dặc, dắt díu , dầm dề, dập
dìu, dãi dầu, dè dặt, dẻo dai, dễ dãi, dinh dính,
dìu dịu, dịu dàng, dong dỏng, dõng dạc, dỗ dành, dở
dang, dồn dập, dớ dẩn, dư dả, dữ dội, dửng dưng,
dông dài, dồi dào...
giàn giụa, giãy giụa, giần giật, gìn
giữ, giòn giã, giỏi giang, giấu diếm, giành giật,
giấm giúi...
Các em hãy
đặt câu cho từng từ! Thông qua đặt câu, người ta nhớ
từ đó tốt hơn, sử dụng thành thạo hơn.