Bài 14 - Thuê nhà, chuyển
nhà |
|
I. Các tình huống hội thoại
1. Đi thuê nhà
- Lan: Xin giới thiệu với bác, đây là ông Smith, người Mỹ, muốn thuê một
chỗ ở.
- Ô. Smith: Chào ông!
- Ô. Hoà: Chào ông, chào bà! Xin mời ngồi.
- Ông bà có thể thuê toàn bộ tầng 2, gồm 3 phòng: một phòng ngủ, một
phòng ăn có cả bếp và liền đó là phòng tắm, toilet và một phòng khách.
- Ô. Smith: Xin ông cho biết mỗi phòng rộng bao nhiêu?
- Ô. Hoà: Phòng ngủ rộng 16m2, phòng ăn cả bếp và toilet rộng
20m2 và phòng khách rộng 16m2, không kể ban công.
- Ô. Smith: Có gara không?
- Bà Smith: Tiện nghi thế nào ạ?
- Ô. Hoà: Tương đối tốt, các phòng đều có điều hoà nhiệt độ; trong phòng
tắm có vòi nước nóng lạnh, ở bếp đã được trang bị bếp điện, lò hấp,
phòng ngủ có tủ gương đứng, phòng khách có salon, điện thoại. Có gara ở
tầng một
- Lan: Trước khi đi xem xin bác cho ông bà biết giá.
- Ô. Hoà: 1.000 USD một tháng cho cả diện tích tầng hai, kể cả tiền điện
sinh hoạt và tiền điện thoại gọi trong nước.
2. Thuê buồng trong khách sạn
- Khách: Chào anh!
- Thường trực: Chào chị, chị cần gì ạ?
- Khách: Tôi muốn thuê phòng.
- Thường trực: Phòng đôi hay phòng một ạ?
- Khách: Phòng một thôi nhưng ở tầng hai thì tốt
- Thường trực: Vâng, có. Chị định thuê trong bao lâu?
- Khách: Hết ngày và đêm mai. Sáng ngày kia tôi đi.
- Thường trực: Vâng, hai đêm một ngày, xin chị 50 USD.
- Khách: Tiền đây (trao tiền và nhận chìa khoá).
3. Helen tìm ông Smith
- Helen: Xin chào bác, cháu muốn gặp ông Smith.
- Bà Hoà: Ông bà ấy không ở đây nữa cô ạ, họ chuyển chỗ ở cách đây một
tuần rồi.
- Helen: Thế bây giờ ông ấy ở đâu ạ?
- Bà Hoà: Ở khách sạn Hoa Mai, 159 phố Nguyễn Thái Học.
- Helen: Cháu cám ơn bác.
4. Hà chuyển đến nhà mới, Helen đến thăm
- Hà: Mời bạn vào đây. Gia đình vừa mới chuyển đến nên còn bừa bộn quá.
- Helen: Đẹp quá nhỉ, rộng hơn nhà cũ nhiều.
- Hà: Ừ! Rộng hơn và tiện lợi hơn vì gần trung tâm.
- Helen: Phòng của bạn ở đâu?
- Hà: Đây là phòng khách, kia là phòng riêng của mình. Bên trong là
phòng của mẹ mình. Còn phòng ăn, bếp, phòng tắm, toilet ngay cạnh phòng
này, sau cửa kia.
- Helen: Phòng Hà rất mát. Mùa hè chắc không cần quạt.
- Hà: Ừ, chắc thế.
II. Ghi chú ngữ
pháp
1. Câu có vị ngữ biểu thị diện tích, chiều cao, cân nặng,
độ dài: vị ngữ gồm một tính từ chỉ đặc trưng, hình dạng và một từ chỉ số
lượng, diện tích, chiều cao...
Ví dụ: - Phòng ngủ rộng 16m2
- Cái nhà này cao 30m
- Tấm kính ấy dày 3 li.
Chú ý: Các tính từ thường làm V trong kiểu câu này: rộng,
dài, cao, nặng, sâu, dày. Các tính từ trái nghĩa của các tính từ trên
đây như: hẹp, ngắn, thấp, nhẹ, nông, mỏng, tuy cùng biểu thị một đặc
trưng tính chất của sự vật nhưng không làm được vị ngữ hoặc nếu có thì
có một nghĩa khác.
2. Câu biểu thị sự tồn tại của sự vật
Chủ ngữ thường được cấu tạo bằng: Danh từ chỉ vị trí +
danh từ. Vị ngữ thường do động từ: có + danh từ chỉ đồ vật, hoặc chỉ
người.
Ví dụ:
- Trong phòng tắm có vòi nước nóng lạnh.
- Trong nhà có nhiều người.
- Ngoài sân có nhiều ô tô.
Chú ý: Có thể thay danh từ chỉ vị trí bằng động từ "ở"
hoặc dùng cả hai.
Ví dụ:
- Ở trong phòng tắm có vòi nước nóng lạnh.
- Ở bếp đã được trang bị bếp điện.
3. Cách dùng từ "cách"
Muốn biểu thị khoảng cách thời gian từ thời điểm này đến thời điểm
khác, khoảng không gian từ địa điểm này đến địa điểm khác có thể dùng "cách"
hoặc "cách đây".
Ví dụ: - Cách đây một tuần ông Smith đã chuyển chỗ ở.
- Cách nhà tôi 3 km có một ngọn núi.
- Ký túc xá cách trường học 1.000m.
4. Nhỉ
Ngữ khí từ, dùng sau những câu người nói muốn biểu thị một sự đánh giá
Ví dụ: - Đẹp nhỉ!
- Vui quá nhỉ!
- Chán nhỉ!
hoặc biểu thị thái độ thân mật, nhẹ nhàng trong câu hỏi.
- Anh ấy có đến không?
- Anh ấy có đến không nhỉ?
III. Bài đọc
1. Sửa chữa lại khách sạn Palace (Đà Lạt) như năm 1906
Khách sạn Palace Đà Lạt đang được công ty du lịch Lâm
Đồng liên doanh với công ty Đa Nao (Hồng Kông) và một công ty liên quốc
gia bỏ ra hơn 4,5 triệu đô-la phục chế lại như thiết kế ban đầu cách đây
85 năm sử dụng, Palace đã bị biến cải nhiều, từ trang trí nội thất đến
mặt tiền khung cảnh đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Các hệ thống điện,
nước bị hư hỏng nặng, nhiều trần nhà, tường nhà, cửa gỗ bị mục, rạn nứt.
Ông Ly Chao Min, kiến trúc sư trưởng công trình đã qua Pháp tìm lại toàn
bộ hồ sơ thiết kế của khách sạn để phục chế, nâng cấp, đưa khách sạn này
thành khách sạn 5 sao.
2. Con Rồng cháu Tiên
Ngày xưa ở đất Lạc Việt, bây giờ là Bắc Bộ nước ta, có
một vị thần tên là Lạc Long Quân. Thần mình rồng, thường ở dưới nước,
thỉnh thoảng lên sống trên cạn. Thần rất khoẻ và có nhiều phép lạ. Thần
giúp dân diệt trừ những loài yêu quái, dạy dân cách trồng trọt chăn nuôi
và cách ăn ở. Xong việc thần về thuỷ cung, khi có việc lại hiện lên.
Bấy giờ ở vùng núi cao phương Bắc, có nàng Âu Cơ vô cùng
xinh đẹp, nghe nói ở đất Lạc Việt có nhiều hoa thơm cỏ lạ bèn tìm đến
thăm. Âu Cơ và Lạc Long Quân gặp nhau, yêu nhau và trở thành vợ chồng,
cùng nhau sống ở trên cạn. Ít lâu sau, Âu Cơ có mang. Đến khi sinh, có
chuyện lạ là nàng sinh ra cái bọc trăm trứng, nở ra 100 con trai, người
nào cũng hồng hào đẹp đẽ lạ thường. Đàn con lớn nhanh như thổi, mặt mũi
khôi ngô, tuấn tú và rất khoẻ mạnh.
Một hôm, Lạc Long Quân vốn quen ở nước, thấy không thể
sống mãi ở trên cạn được nên nói với Âu Cơ và các con: "Ta không thể ở
mãi đây, phải về thuỷ cung. Nay ta đưa 50 con xuống biển, nàng đưa 50
con lên núi, chia nhau cai quản các phương, khi có việc gì thì giúp đỡ
lẫn nhau, đừng quên lời hẹn". Âu Cơ và 100 con nghe theo cùng nhau chia
tay lên đường.
Người con trưởng được lên làm vua, lấy hiệu là Hùng Vương
đóng đô ở đất Phong Châu, đặt tên nước là Văn Lang. Khi vua cha chết thì
truyền ngôi cho con trưởng và đều lấy hiệu là Hùng Vương không thay đổi.
Cũng bởi sự tích này mà về sau, người Việt Nam ta, con
cháu vua Hùng, thường nhắc đến nguồn gốc của mình là con Rồng cháu
Tiên.
相关文章:
|