凭祥市南方外语学校 http://www.nanfangedu.cn
加入收藏
凭祥市南方外语学校
 首 页 | 学校简介 | 学习培训 | 越南概况 | 高等教育越南劳务| 联系咨询 | 下载中心
 

您现在的位置:下载中心 > 越南语C级 > 17课

 

Bài 17. Hội đền Hùng

 

I. Hội thoại
 

JOHN:
 

- A, Park đây rồi. Cậu đi đâu cả ngày hôm nay thế? Tớ tìm cậu mãi không gặp. Cứ Chủ nhật là tìm cậu khó thế.


PARK:


- Tớ tưởng cậu biết tớ đi đền Hùng?


JOHN:


- Cậu chẳng nói gì với tớ thì làm sao mà tớ biết được?


PARK:


- Thôi, cho tớ xin lỗi vậy.


JOHN:


- Giá mà cậu rủ tớ đi cùng thì hay quá.

PARK:
 


- Lúc đầu tớ không hề có ý định đi đền Hùng. Nhưng mấy bạn ở ký túc xá nói rằng ô tô thừa một chỗ ngồi, mà lễ hội đền Hùng thì hay lắm. Cho nên tớ đi vậy.


JOHN:


- Cậu sướng thật. Năm ngoái các bạn Việt Nam cũng rủ tớ đi, nhưng sắp đến ngày lễ thì cái chân đau làm tớ phải ở nhà.


PARK:


- Chuyện ấy tớ cũng biết rồi. Lễ hội đền Hùng thì hay nhưng đi đường thì mệt lắm.


JOHN:


- Sao thế? Từ Hà Nội đến Vĩnh Phú có hơn 100 cây thôi mà?


PARK:
 


- Giời ơi, cậu
phải
đi mới biết. Cứ đến ngày lễ hội là tắc đường. Tắc đường gần một cây số! Tớ còn sợ nhỡ không về được thì chết.


JOHN:


- Thế cơ à? Sao người ta đi đông thế.

PARK:
 


- Người Việt Nam coi vua Hùng là tổ tiên của cả dân tộc Việt, nên lễ hội đền Hùng là ngày giỗ tổ đấy. Chính phủ Việt Nam còn công nhận là ngày quốc lễ cơ mà! Các cơ quan, trường học đi đông lắm.

JOHN:
 


- Ừ, ngày giỗ ở Việt Nam quan trọng lắm, quan trọng hơn ngày sinh nhiều. Mình biết một câu thơ về hội đền Hùng, hình như là:

“Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3”

PARK:


- Tớ cũng đã xem hai câu ấy trong bảo tàng Hùng Vương. Ở Bảo tàng có nhiều hiện vật từ thời vua Hùng như trống đồng, rìu đá, mũi tên đồng, đồ gốm... Đền thờ vua Hùng không to lắm, gồm ba đền. Ngoài đền Hùng ra còn có lăng mộ vua Hùng và một ngôi chùa nữa.


JOHN:

- Lễ hội thế nào?


PARK:


- Tắc đường lâu quá khiến tớ bị muộn. Tớ chỉ xem được đám rước kiệu và đánh cờ người thôi.

 

Bảng từ

lễ hội
tắc đường
tổ tiên
giỗ
quốc lễ
ngược
xuôi

 

trống đồng
rìu đá
mũi tên
gốm
lăng mộ
rước
kiệu

 

II. Chú thích ngữ pháp:

1. Một số mẫu câu điều kiện:

a. 

Nếu A thì B

+ Điều kiện giả thiết có thể xảy ra hoặc không xảy ra.

Ví dụ: - Nếu trời đẹp thì tôi đi du lịch.

+ Điều kiện không thể xảy ra

Ví dụ: - Nếu tôi là anh thì tôi không nói thế.

b.

Giá A thì B

+ Điều kiện người nói mong muốn nhưng đã không xảy ra trong quá khứ và người nói tiếc về điều đó.

Ví dụ: - Giá hôm qua tôi không đến muộn thì đã gặp được anh ấy rồi.

+ Điều kiện khó thực hiện trong tương lai nhưng người nói rất mong muốn và hy vọng.

Ví dụ: - Giá tôi là triệu phú thì tôi sẽ mua ngay khu nhà này.

c.

Có A mới B

Điều kiện ở đây là điều kiện bắt buộc, có thể xảy ra rồi hoặc chưa xảy ra.

Ví dụ: - Làm ở đấy lương cao thì tôi mới chuyển.

- Nó ăn no rồi mới ngủ được.

d.

Nhỡ A thì B

Điều kiện ở kết cấu này là một giả thiết

Ví dụ: - Nhỡ thi trượt thì cậu sẽ làm gì?

e.

    Hễ    A   là   B
    Cứ

Kết hợp này biểu hiện sự lặp lại có tính tất yếu giữa điều kiện và kết quả.

Ví dụ: - Cứ có phim hay ở ti vi nó quên học bài.

- Hễ giận tôi cô ấy khóc.

2. Làm / làm cho; khiến / khiến cho

     Gây / gây ra; dẫn đến

Nhóm từ này chỉ quan hệ nguyên nhân - kết quả.

Cách dùng cụ thể như sau:

a.

A

+

làm (cho)
khiến (cho)

+

B

 

C

A = ai / cái gì / hành động gì

B = ai / cái gì 

C = thế nào / bị làm sao, phải làm gì...

Ví dụ:

- Thái độ của giám đốc làm cho nhân viên rất bất bình.

 


- Việc lười học khiến nó bị trượt và phải thi lại.

b.        

A

+

gây (ra)

+

B

(+

cho

+

C)

A = ai / cái gì / hành động gì (nguyên nhân)

B = cái gì (kết quả xấu)

C = ai / cái gì

< Ví dụ:

- Động đất gây ra cái chết cho nhiều người.

 


- Lời nói thiếu suy nghĩ gây tai vạ cho người nói.

 


- Anh ấy là người gây ra tai nạn.

c.     

A

+

dẫn đến

+

B

A = hành động / sự việc

B = kết quả

Ví dụ: - Sự ô nhiễm môi trường dẫn đến sự gia tăng bệnh dịch.

III. Bài luyện

1. Viết tiếp các câu sau:

a. Phải học hành chăm chỉ mới ..............................................................................

b. Phải sống ở Hà Nội mới .....................................................................................

c. Phải có bằng lái xe mới ......................................................................................

d. Phải giỏi ngoại ngữ mới .....................................................................................

e. Phải ăn uống điều độ mới ..................................................................................

f. Phải có bản đồ mới .............................................................................................

2. Tạo câu theo mẫu:

Mẫu: - Chủ nhật / đi chơi.

    → - Cứ Chủ nhật là anh ấy đi chơi?

a. Có bóng đá / thức suốt đêm.

b. Đi chơi / vui vẻ.

c. Uống rượu / nói nhiều.

d. Đọc báo / buồn ngủ.

e. Được nghỉ hè / về quê.

f. Ăn thức ăn lạ / đau bụng.

g. Bị mắng / khóc.

3. Điền “giá” hoặc “nhỡ” vào các câu sau:

a. Ngày mai, ....................... trời mưa thì chúng ta có đi không?

b. ....................... tôi được đi vòng quanh châu Âu một lần thì tôi sẽ rất sung sướng.

c. ........................... có cánh thì tôi sẽ bay lên đỉnh núi chứ không phải trèo thế này.

d. ....................... thi trượt thì em sẽ làm gì?

e. .................. tôi còn trẻ thì tôi sẽ học để trở thành ca sĩ.

f. Mang áo mưa đi .................... giữa đường trời mưa thì anh cũng không bị ướt chứ.

g. Tháng sau, ....................... anh chưa hoàn thành luận án thì có bị phê bình không?

4. Hãy nghĩ ra một số tình huống xấu khi bạn đi nước ngoài để hỏi. Hãy bắt đầu bằng “nhỡ”

Mẫu: Nhỡ tôi bị ốm thì ai đưa tôi đến bệnh viện?

a. .........................................................................

b. .........................................................................

c. .........................................................................

d. .........................................................................

e. .........................................................................

f. .........................................................................

g. .........................................................................

5. Dùng “giá... thì” biểu thị ý tiếc trong những trường hợp sau:

a. Hôm qua anh ấy lái xe ẩu nên đã bị tai nạn.

b. Nó không ôn tập cẩn thận nên đã bị thi trượt.

c. Chị Hiền đi muộn hơn bình thường 10 phút nên bị nhỡ ô tô.

d. Chị ấy quên khóa xe đạp nên đã bị ăn cắp.

e. Thành đi đá bóng, làm rơi chìa khóa nên không vào nhà được.

f. Ông ấy không mang kính đi xem phim nên chẳng đọc được phụ đề.

6. Đặt một số câu với “giá ... thì”  theo mẫu sau:

Mẫu: - Giá tôi có một chiếc xe ô tô thì tôi sẽ đi du lịch xuyên Việt.

a. .........................................................................

b. .........................................................................

c. .........................................................................

d. .........................................................................

e. .........................................................................

f. .........................................................................

7. Chọn một trong số các từ “làm (cho), khiến (cho), gây (ra), dẫn đến  điền vào các câu dưới dây:

a. Mưa lớn nhiều ngày ........................... úng lụt nặng nề.

b. Sự bất cẩn của anh ta ..............................tai nạn.

c. Cô ấy luôn luôn ....................... người khác cảm thấy dễ chịu.

d. Căn bệnh hiểm nghèo ..................... bà mẹ thay đổi trạng thái sức khỏe.  

e. Đôi khi lời nói vô tình của anh ..................... sự đau khổ cho bạn bè.

f. Tại đường Chiến Thắng tối qua, một người lái xe tải ................ tai nạn, sau đó bỏ chạy.

g. Chiến sự xảy ra tại khu vực này ...................... những thay đổi sâu sắc cho chính trị thế giới.

h. Quyết định mới của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ...................... phản ứng mạnh mẽ cho các nước thành viên.

i. Jark không ngờ rằng thái độ thiếu lịch sự của anh .................... Kim vô cùng thất vọng.

k. Nạn dịch AIDS .................... cả thế giới lo sợ.

8. Tìm các giới từ thích hợp và điền vào đoạn văn sau. Có thể có vài cách trả lời cho một chỗ trống:

(1) ............ mùa hè, chúng tôi thường đi (2) ..................... biển. Chúng tôi sống (3) .................. một khách sạn nhỏ dễ thương ở ngay (4) ................ bờ biển. (5) ................ buổi sáng, chúng tôi dậy (6) ................. lúc 8 giờ, ăn sáng, sau đó tắm (7) .................. biển khoảng vài tiếng (8) .................. những khách du lịch khác. Lúc 12 giờ chúng tôi ăn trưa (9) .................. phòng ăn. (10) .................. buổi chiều chúng tôi lại đi (11) ............... biển và ngồi (12) .................. mặt trời để tắm nắng. Buổi tối, chúng tôi đi dọc (13) ................ bãi biển và thăm vài người bạn sống (14) .................. nhà khách gần đó.

(15) .................. khách sạn của chúng tôi có một số khách nước ngoài. Họ đến bãi biển (16) .................. vài tuần trước. Họ (17) ................ châu  Âu và Mỹ đến. Khi ăn trưa, họ thường ngồi (18) ................... chúng tôi, ở cái bàn sát (19) .................. cửa sổ để có thể nhìn (20) .................. biển. Tôi cũng thích nhìn (21) .................. Phòng của tôi (22) .................. tầng 4, vì thế tôi quan sát thấy khách du lịch thường đến (23) .................. xe ô tô. Từ (24) .................. cao nhìn xuống, trông họ thật vui mắt (25) .................. những bộ quần áo đủ màu.

IV. Bài đọc

Truyền thuyết Đền Hùng và thời đại Hùng Vương

1. Ngoài đền chính ở núi Nghĩa Lĩnh thuộc xã Hy Cương, huyện Phong Châu, tỉnh Phú Thọ (miền Bắc Việt Nam), ở Việt Nam còn có hàng nghìn nơi thờ vua Hùng, vợ con cùng các tướng của Người. Từ thời Lê, người ta đã thống kê được 1026 đình - đền ở 944 làng xã thờ Hùng Vương và các tướng của các vua Hùng. Nhân dân Việt Nam tin rằng có mười tám đời vua Hùng, kéo dài 2.000 năm. Đến khoảng năm 1960, các nhà nghiên cứu Việt Nam mới có kết luận cụ thể về thời Hùng Vương. Đây là một thời đại tồn tại vào khoảng 2.000 năm trước Công nguyên, là thời kỳ hình thành nhà nước đầu tiên trong lịch sử Việt Nam. Dưới đây là vài đặc điểm chính về thời đại Hùng Vương:

2. Tình trạng kinh tế

Giai đoạn đầu Hùng Vương, nghề nông trồng lúa nước bắt đầu phát triển. Nhưng nói chung công cụ sản xuất bằng đá là chính, nền kinh tế vẫn mang tính chất nguyên thủy. Thời gian sau, công cụ đồng thay thế công cụ đá, sau đó là công cụ sắt. Nông nghiệp trồng lúa nước phát triển thành nghề chính. Bên cạnh nông nghiệp còn có hái lượm, săn bắn, chăn nuôi, đánh cá. Các nghề thủ công như làm đá, làm gốm, mộc, dệt, đúc đồng, đúc sắt phát triển mạnh.

3. Xã hội

Chế độ mẫu hệ dần chuyển sang chế độ phụ hệ. Trong truyền thuyết, thủ lĩnh cao nhất là Hùng Vương thuộc về nam giới và cha truyền con nối. Người Lạc Việt sống định cư theo các làng xã, nhưng bên trong vẫn bảo tồn quan hệ huyết thống.

4. Nền văn minh sông Hồng

Thành quả to lớn của thời đại Hùng Vương là sự ra đời của nền văn minh cổ xưa nhất của người Việt - nền văn minh sông Hồng. Đặc điểm chung của nền văn minh này là nền tảng nông nghiệp trồng lúa nước và kết cấu xóm làng của một xã hội chưa phân hóa giai cấp gay gắt.

5. Đời sống vật chất

Cách ăn, mặc, ở, đi lại... của người Việt đều thể hiện lối sống của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Nguồn lương thực chính là thóc gạo, chủ yếu là gạo nếp, nấu thành cơm hay chế biến thành bánh (bánh chưng, bánh giày. Thức ăn gồm rau củ, thịt cá, được chế biến nhiều cách: ăn sống, nấu nướng... và có gia vị. Về cách mặc: nam đóng khố, nữ mặc váy, cả nam lẫn nữ đều dùng đồ trang sức. Tục phổ biến là xăm mình và nhuộm răng đen, ăn trầu. Nhà ở là nhà sàn làm bằng gỗ, tre, lá... Người Lạc Việt dùng thuyền đi trên sông biển và dùng voi đi trên đất liền.

6. Đời sống tinh thần

Tín ngưỡng chủ yếu và phổ biến là sùng bái tự nhiên, thờ thần Mặt trời, thần Sông, thần Núi... và những nghi lễ cầu mong mưa, cầu mong cho các loài sinh sôi. Ngoài ra còn có tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, sùng bái anh hùng, ... nhằm khẳng định nguồn gốc chung, tổ tiên chung của cộng đồng và đề cao những người có công dựng nước và giữ nước. Nghệ thuật âm nhạc, múa nhảy khá phát triển. Sinh hoạt văn hóa tinh thần của thời Hùng Vương biểu hiện trong các hội lễ: dân làng ca hát, nhảy múa vui chơi, tiến hành các lễ nghi nông nghiệp, cầu mong thời tiết yên ổn, đua thuyền, hát giao duyên nam nữ, kể chuyện dân gian...

7. Biểu tượng của nền văn minh sông Hồng là trống đồng Đông Sơn. Trống đồng là một nhạc khí được sử dụng trong tế lễ, trong hội hè, là vật tượng trưng cho quyền của thủ lĩnh, dùng để tập hợp quần chúng, chỉ huy chiến đấu, chôn theo người chết, dùng để đổi chác. Trên mặt trống có những họa tiết trang trí phong phú sinh động, khắc họa hầu hết cuộc sống lao động, chiến đấu, những hình thức tín ngưỡng, vui chơi của cư dân thời Hùng Vương.
 

Bảng từ

thời đại
tồn tại
công nguyên
công cụ
nguyên thủy
hái lượm
săn bắn
mộc
dệt
đúc
mẫu hệ
phụ hệ
định cư
huyết thống
văn minh

 

phân hóa
khố
xăm
nhuộm
nhà sàn
tín ngưỡng
sùng bái
cộng đồng
đề cao
biểu tượng
thủ lĩnh
đổi chác
sinh động
khắc họa
 

 

V. Bài tập

1. Dựa vào bài đọc, hãy chọn một khả năng đúng trong ba khả năng dưới dây (A, B hoặc C):

a. Ở Việt Nam có ....................................

A. Gần 2.000 đền thờ vua Hùng

B. Hơn 1.000 đền thờ vua Hùng

C. 954 làng xã thờ vua Hùng

b. Kết luận chính xác về thời đại Hùng Vương ...................................

A. Xuất hiện 2.000 năm trước Công nguyên

B. Được công bố từ những năm cuối thế kỷ XIX

C. Do các nhà nghiên cứu nước ngoài tìm ra

c. Nền tảng kinh tế của cư dân Việt là ....................

A. Nông nghiệp lúa nước

B. Chăn nuôi gia súc

C. Săn bắn

d. Gia đình thời Hùng Vương ....................

A. Chuyển từ mẫu hệ sang phụ hệ

B. Thực hiện chế độ một vợ một chồng

C. Hoàn toàn phụ hệ

e. Người dân Lạc Việt thích ăn ....................

A. Hoa màu

B. Gạo nếp

C. Lúa mì

f. Một phong tục phổ biến của nam nữ thời Hùng Vương là ..................

A. Mặc quần áo đẹp

B. Ăn thịt nướng

C. Nhuộm răng và ăn trầu

g. Biểu tượng của nền văn minh sông Hồng là ....................

A. Nhà sàn

B. Lưỡi cày đồng

C. Trống đồng Đông Sơn

2. Hãy chọn ra chủ đề đúng cho một số đoạn văn trong bài đọc:

a. Đoạn 1:

A. Tại sao lại có lễ hội đền Hùng.

B. Thời Hùng Vương gồm 18 đời vua.

C. Giới thiệu sơ qua về thời đại Hùng Vương.

b. Đoạn 2: 

A. Dân cư thời Vua Hùng đã biết chế tạo lưỡi cày đồng.

B. Các nghề thủ công phát triển mạnh.

C. Sự phát triển kinh tế thời Hùng Vương.

c. Đoạn 3:

A. Sự tiến bộ của chế độ phụ hệ.

B. Đặc điểm xã hội thời Hùng Vương.

C. Tại sao xã hội Hùng Vương từ bỏ chế độ mẫu hệ?

d. Đoạn 4, 5, 6:

A. Đời sống vật chất của người Việt.

B. Nền văn minh sông Hồng.

C. Tín ngưỡng phổ biến thời kỳ này là Phật giáo.

e. Đoạn 7:

A. Giá trị của các nhạc khí bằng đồng.

B. Lịch sử trống đồng.

C. Trống đồng Đông Sơn - biểu tượng của văn minh sông Hồng.

3. Chọn các từ thích hợp để điền vào các câu dưới đây:

công cụ sản xuất

bánh chưng

huyết thống

trống đồng

lưỡi cày

tổ tiên

mẫu hệ

phụ hệ

thành kính

a. Vua Hùng được coi là ...................... của người Việt.

b. ..................... là ........................... khi làm ruộng.

c. Khi thờ cúng tổ tiên, người ta thường rất ........................

d. Thời Hùng Vương, xã hội chuyển từ chế độ ........................ sang chế độ ..................., vua là đàn ông.

e. Tết Việt Nam không thể thiếu ......................................

f. Quan hệ ........................... rất quan trọng trong cộng đồng người Việt.

g. ................................. Đông Sơn là cổ vật thiêng liêng.

4. Dựa vào bài đọc, viết tiếp những câu sau:

a. Thời đại Hùng Vương tồn tại cách đây ..................................

b. Ở 944 làng xã thời Lê có ...............................

c. Thời Hùng Vương, ngành kinh tế chủ đạo là .............................

d. Ngoài nông nghiệp ra, dân cư thời kỳ này còn có các nghề khác như ...............................................

e. Chế độ xã hội thời Hùng Vương chuyển từ chế độ mẫu hệ ....................

f. Cư dân thời Hùng Vương còn có tên là ...................

g. Phương tiện di chuyển chính của cư dân thời Hùng Vương là ..........................

h. Trống đồng được coi là ...........................

5. Nghe bài “Nếu bạn muốn ngủ ngon” và xác định xem những câu dưới đây đúng hay sai:

a. Nếu không ngủ ngon thì không tập thể dục được.

b. Nếu mất ngủ quá lâu thì đó là bệnh mất ngủ kinh niên.

c. Nên tập thể dục ba tiếng đồng hồ, sau đó đi ngủ.

d. Nếu mất ngủ thì nên bật quạt mạnh để mát hơn.

e. Nên tập nghe cho quen tiếng động bên ngoài để dễ ngủ hơn.

6. Trả lời những câu hỏi sau, dựa theo bài nghe:

a. Tại sao một số người cố gắng nằm trên giường tới 12 tiếng, mặc dù không ngủ?

b. Tại sao không nên tập thể dục trước khi ngủ?

c. Băng ghi âm tiếng nước, sóng vỗ, mưa rơi có tác dụng gì?

7. Tóm tắt lại bài nghe.

8. Hãy viết một bài văn với chủ đề: Tưởng tượng cuộc sống của bạn ở 2.000 năm trước.

VI. Bài đọc thêm

Truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ

Ngày xưa, người cai quản Lạc Việt là thần Lạc Long Quân. Thần có thân hình rồng, thích sống trong nước, có sức khỏe phi thường và nhiều tài biến hóa. Lúc này trong nước có nhiều yêu quái thích giết người, như một con cá có thể ăn mười người một lúc, tên là Ngư tinh, một con cáo chín đuôi tên là Hồ Tinh, một cái cây biết ăn thịt người tên là Mộc Tinh. Lạc Long Quân đã giết hết ba loài yêu quái đó, bởi vì phải giết yêu quái, nhân dân mới sống an toàn. Sau đó, Lạc Long Quân dạy dân cách trồng lúa nếp, cách nấu cơm, chặt gỗ làm nhà sàn. Nhưng Lạc Long Quân không ở với nhân dân mà ở dưới nước, dặn nhân dân rằng khi nào có việc gì cần thì chỉ gọi “Bố ơi!”, ông ấy sẽ hiện lên ngay.

Lúc bấy giờ thần Đế Lai ở phương Bắc đến Lạc Việt. Cùng đi có cả con gái Đế Lai là Âu Cơ. Thấy đất Lạc Việt nhiều phong cảnh đẹp, nhiều sản vật quý, Đế Lai cho dựng thành, định ở lâu dài. Dân Lạc Việt phục vụ vất vả quá, nên gọi Long Quân: “Bố ơi! Về cứu chúng con!”. Lập tức Long Quân hiện ra. Khi biết chuyện, Long Quân biến thành một chàng trai rất đẹp và khỏe mạnh, đến trước thành của Đế Lai để đánh đàn và ca hát. Âu Cơ tỏ ra thích Long Quân. Hai người yêu nhau. Long Quân đưa ngay Âu Cơ về nhà mình. Đế Lai về, thấy mất con, sai quân lính đi tìm, nhưng thất bại. Sau đó Đế Lai về Bắc. Lạc Long Quân và Âu Cơ lấy nhau sinh ra một cái bọc. Quá bảy ngày, bọc nở ra một trăm quả trứng, mỗi trứng nở thành một người con trai. Long Quân nói với Âu Cơ: “Ta là rồng, sống ở nước, còn nàng là tiên, sống trên cạn, nên khó sống lâu dài. Bây giờ ta chia nhau. Nàng đưa năm mươi con lên núi, ta đưa năm mươi con xuống biển. Khi nào có việc gì cần thì báo cho nhau biết để giúp đỡ nhau. Từ đó họ chia tay nhau đi khắp các nơi và trở thành tổ tiên người Việt. Người con trưởng trở thành Vua Hùng của nước Văn Lang. Dân Việt Nam tự nhận là con rồng cháu tiên.

VII. Từ ngữ thông tục và thành ngữ

1. Hết cả hơi

Khi làm việc gì mất nhiều thời gian, căng thẳng, vất vả quá, tưởng như không còn hơi thở, sức khỏe để làm nữa, người ta nói hết cả hơi.

Ví dụ:

- Tôi tìm anh ấy hết cả hơi.

- Vì đi học muộn, phải chạy hết cả hơi.

- Bị mẹ mắng, nó khóc hết cả hơi.

2. Số đen

Đen đối với người Việt Nam là màu xấu, thể hiện việc xấu, bất hạnh; do đó số đen là số phận không may.

Trái nghĩa với số đen là số đỏ.

Đen đỏ cũng có nghĩa là may rủi. Do đó, người ta thường gọi chuyện chơi bài, đánh bạc, xổ số là trò đen đỏ.

Ví dụ: - Hôm qua Hùng gặp số đen, bị mất hết tiền.

3. Đi một ngày đàng học một sàng khôn

Đàng: đường

Khôn: trí tuệ, kiến thức

Sàng: vật đựng bằng tre, đường kính rất rộng.

Câu này có nghĩa: chỉ cần đi xa một ngày, có thể học được rất nhiều.

Ví dụ: - Đi một ngày đàng học một sàng khôn, cứ để cho nó đi xa đi.

4. Ngược đời

Cụm từ này được dùng để chỉ hành động hoặc tính cách của ai đó rất đặc biệt khác thường, không giống như mọi người.

Ví dụ: - Anh ấy sống rất ngược đời. Ban ngày thì ngủ, còn ban đêm thì thức.

 

 

联系我们

 

相关文章:
 
越南语相关课程

越南语C级第01课

越南语C级第02课

越南语C级第03课

越南语C级第04课

越南语C级第05课

越南语C级第06课

越南语C级第07课

越南语C级第08课

越南语C级第09课

越南语C级第10课

越南语C级第11课

越南语C级第12课

越南语C级第13课

越南语C级第14课

越南语C级第15课

越南语C级第16课

越南语C级第17课

 

 

 

凭祥市南方外语学校      地址:凭祥市中山路134号(北环路134号)