凭祥市南方外语学校 http://www.nanfangedu.cn
加入收藏
凭祥市南方外语学校
 首 页 | 学校简介 | 学习培训 | 越南概况 | 高等教育越南劳务| 联系咨询 | 下载中心
 

您现在的位置:下载中心 > 越南语C级 > 07课

 

Bài 7. Giáo dục

 

I. Hội thoại

LIÊN:

- Hè này em định đi chơi đâu không?

NGA:

- Em chưa hề định gì cả. Em có thời gian đâu hả chị. Em đang phải ôn thi mà.

LIÊN:

- Em ôn thi đại học à?

NGA:

 - Vâng, em định thi 3 trường.

LIÊN:

- Cái Hường cũng học bằng em mà nó phải thi đâu. Hình như nó đang đi nghỉ mát thì phải.

NGA:

- À, nó được lên thẳng vì nó là học sinh giỏi, điểm thi tốt nghiệp trung học lại cao.

LIÊN:

- Nó giỏi thế à?

NGA:

- Giỏi gì. Sức học của em và nó cũng một chín một mười nhưng không hiểu tại sao điểm của nó luôn cao hơn em.

LIÊN:

- Thôi, em không phải thanh minh đâu.  Học cẩn thận vào không thi trượt đấy.

NGA:

- Làm sao mà em trượt được. Chị không phải lo đâu. Dạo này em chăm lắm, học ngày, học đêm.

LIÊN:

- Chăm gì. Thỉnh thoảng chị vẫn thấy em đi chơi ngoài đường.

NGA:

- Đôi khi em cũng phải giải trí chứ có phải em đi chơi nhiều đâu.

LIÊN:

- Thế nếu trượt thì em có thi lại không?

NGA:

- Có chứ. Nếu trượt thì ở nhà, ôn tập tiếp năm sau thi lại. Năm ngoái anh Tùng bị trượt đấy, chị có biết không?

LIÊN:

- Thế à? Chị không biết gì hết. Chị tưởng nó chịu khó học lắm.

NGA:

- Chịu khó gì. Đến kỳ thi mà anh ấy đi chơi suốt, chẳng học gì cả. Em chưa thấy ai như thế bao giờ.

LIÊN:

- Ừ, học kiểu ấy thì làm sao mà đỗ được. Thôi, chị về đây. Em học đi nhé.

 

Bảng từ

ôn thi

lên thẳng

sức học

thanh minh

giải trí

học sinh giỏi

trung học

kỳ thi

II. Chú thích ngữ pháp

* Một vài kết cấu phủ định

1. Cả, hết

Trong những câu phủ định, nhóm từ này cũng thường đứng ở cuối câu nhấn mạnh ý phủ định hoàn toàn. Chúng được dùng dưới dạng: 

Chủ ngữ + chẳng + động từ + từ nghi vấn + cả l hết

Ví dụ: - Hôm nay em chẳng ăn gì cả.

           - Tối qua tôi chẳng đi đâu hết.

2. Đâu

a.

không

chưa                   + động từ + đâu

chẳng

Đâu dùng ở cuối câu phủ định để nhấn mạnh ý phủ định.

Ví dụ: - Chúng ta đi đi, anh ấy không đến đâu.

          - Cô cứ tin tôi, tôi không lừa cô đâu

b.

có    + động từ + đâu

đã

hoặc

Có phải + câu + đâu

Đâu dùng cuối câu khẳng định để xác nhận ý phủ định, bác bỏ ý kiến của người khác hoặc những điều không phải là sự thật.

Ví dụ: - Có phải tôi đến sớm nhất dâu.

          = Tôi không đến sớm nhất.

          - Anh ấy nói đâu.

          = Anh ấy không nói.

3.

Tính từ +

Đây là từ để hỏi được dùng để phủ định.

Ví dụ: - Bài này khó quá.

           - Khó gì. Tôi chỉ làm mất năm phút thôi

          = Không khó đâu.

4.

 Làm sao mà (có thể) + động từ + được

                                       tính từ

Kết cấu này thường dùng để nhấn mạnh một hành động khó có thể thực hiện được.

Ví dụ: - Từ đây đến nhà tôi xa lắm. Làm sao mà có thể đi bộ được.

          = Không thể đi bộ.

          - Cô ấy nói nhanh quá. Làm sao mà tôi hiểu được.

         = Tôi không thể hiểu được.

Trong kiểu câu này, chủ ngữ có thể đứng ở đầu câu hoặc trước động từ

III. Bài luyện

1. Dùng câu phủ định với “cả, hết” để trả lời câu hỏi

a. Từ khi đến Hà Nội chị đã đi đâu chưa?

b. Hôm nay chúng ta có bài tập nào?

c. Chị gặp ai ở nhà cô Lan?

d. Hôm qua, Minh có nói gì với anh không?

e. Ai dạy chị bài hát này?

f. Em thích làm loại bài tập nào? Nghe, dịch hay viết?

g. Trong băng nhạc này có bài hát về Hà Nội không? 

2. Dùng kết cấu ''câu khẳng định + đâu '' để trả lời phủ định: 

Mẫu: - Chân nó bị đau à?

     → - Chân nó có đau đâu.

a. Mùa đông ở Hà Nội rất lạnh phải không?

b. Em có học ở đây à?

c. Nó viết thư cho anh à?

d. Chị ấy nói dối anh phải không?

e. Chị ấy đi được xe phải không?

f. Anh Thi bỏ được thuốc lá rồi à?

g. Lớp học này có miễn phí à?

h. Ông ấy vào thành phố Hồ Chí Minh rồi à?

i. Mắt bà ấy kém à? 

3. Dùng kết cấu “có... đâu” hoặc “có phải... đâu” để trả lời phủ định: 

Mẫu: - Chủ nhật tuần trước chị đi Sầm Sơn à?

     → - Có phải Sầm Sơn dâu. Chủ nhật tuần trước tôi đi Hạ Long.

a. Cô ấy vay anh 500.000 đồng từ năm ngoái à?

b. Họa sĩ Tô Ngọc Vân vẽ bức tranh này.

c. Tối qua chị đi xem kịch à?

d. Chị mua cái áo này à?

e. Lan đang học bài, đừng làm phiền nó.

f. Nó đang đến kia kìa, phải không?

g. Cái lọ hoa này làm bằng pha lê.

h. Cô mặc áo tím là vợ anh Nam phải không?

i. Món này cay quá.

k. Bố em giúp em làm bài tập à? 

4. Dùng “làm sao mà ... được”' để thay thế cho ''không thể... được” trong các câu sau:

Mẫu: - Tôi không thể dịch được bài này.

    → - Làm sao mà tôi dịch được bài này.

→ - Tôi dịch được bài này làm sao được.

a. Chị ấy viết xấu quá. Tôi không thể đọc được.

b. Bà ấy già rồi nên không thể làm việc nặng được.

c. Anh ấy không thể đi xe máy ở đường phố Hà Nội.

d. Món này chán quá, tôi không thể ăn được.

e. Anh ấy ích kỷ lắm. Tôi không thể làm việc cùng với anh ấy được nữa.

f. Cô ấy nói thầm với tôi. Người khác không thể nghe được đâu. 

5. Dùng kết cấu ''làm sao mà ... được”' để nói trong các tình huống sau:

Mẫu: - Quả bóng ở trên cao. Em ấy rất thấp.

          - Em ấy làm sao mà lấy được quả bóng.

a. Em ấy học lớp ba. Anh ấy đưa nhầm bài toán lớp bảy cho em.

b. Hà Nội cách thành phố Hồ Chí Minh 1780 km. Anh ấy nói có thể đi ô tô từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh trong hai ngày.

c. Chị ấy mới học tiếng Việt hai tuần. Một người nhờ chị ấy dịch một bài báo sang tiếng Việt.

d. Cái va li ấy nặng 100 kg. Mẹ muốn tôi mang nó lên tầng hai.

e. Anh ấy làm sai lời hứa lần thứ năm. Anh ấy muốn cô ấy không giận. 

6. Sử dụng tính từ và ''gì'' để phủ định:

Mẫu: - Phòng này rộng quá nhỉ. (12 m)

    → - Rộng gì. Phòng này chỉ có 12 m thôi.

a. Quyển từ điển này tốt lắm. (nhiều từ sai)

b. Chị ấy có áo mới à? (mua năm kia)

c. Ở cơ quan đó lương của nhân viên cao lắm. (500.000 đồng/tháng)

d. Anh đã xem triển lãm mới chưa? Tranh ở đó rất đẹp. (xem rồi)

e. Anh ấy rất giỏi tiếng Anh. (học ba tháng)

f. Ở đó tối lắm. (mới lắp đèn)

g. Hồ đấy sâu lắm, không tắm được đâu. (sâu nhất 20 m)

h. Cô cho nhiều bài quá. (7 bài) 

7. Thay cách phủ định trên bằng cách phủ định ở cấu trúc  “có... đâu”.

Mẫu: - Phòng này rộng quá nhỉ. (12 m)

          - Rộng gì.

     → - rộng đâu, chật lắm. 

IV. Bài đọc

Lớp học đặc biệt 

Tên tuổi của GS Dương Thiệu Tống được giới trí thức Việt Nam biết đến khá nhiều. Năm nay giáo sư đã hơn bảy mươi tuổi và về hưu cách đây năm năm nhưng ông vẫn suốt ngày say sưa nghiên cứu những tài liệu mới nhất về khoa học giáo dục mà bạn bè từ khắp nơi trên thế giới gửi đến. Sở dĩ như vậy là vì ông nghĩ, ông luôn luôn phải học, học đến khi nào không thể học được nữa. Đó cũng là một đòi hỏi bức thiết với bất cứ thầy giáo nào. Người nào không hiểu thì không thể là thầy giáo. 

Nếu ai nói rằng những điều đó chỉ tồn tại trên lý thuyết thì họ đã nhầm. Nó được chứng minh bằng một lớp học trong căn nhà nhỏ của vị giáo sư già. Theo đề xuất của giáo sư, khóa học đầu tiên đã được khai giảng từ năm 1982. Mục tiêu của lớp là nhằm bổ sung những kiến thức khoa học mới mà chưa kịp đưa vào chương trình đào tạo chính quy. 

Tham dự lớp học này hầu hết là những cán bộ giảng dạy trẻ ở một số trường đại học. Hàng tuần, vào sáng thứ năm, họ tập trung ở nhà giáo sư Dương Thiệu Tống. Giáo sư sẽ trình bày một vấn đề nào đó và cả lớp cùng thảo luận. 

Bao nhiêu năm nay lớp học này tồn tại hoàn toàn miễn phí và hoàn toàn tự nguyện. Giáo sư Dương Thiệu Tống chỉ có một mong muốn duy nhất, khi nào ông còn sống và còn nói được thì lớp học này còn tồn tại. Những thầy giáo trẻ đến đây cũng không có một mục đích nào khác ngoài việc tiếp thu thêm những kiến thức mới. Họ không nghĩ đến bằng cấp hoặc những lợi ích khác vì tất cả những cái đó làm sao mà tìm thấy được ở lớp học này. 

Khóa học đầu tiên của Đại học Harvard tại Việt Nam 

Vào cuối tháng này, khóa học đầu tiên của Đại học Harvard sẽ được tổ chức ở Việt Nam trong phạm vi chương trình Fulbright, nhằm bồi dưỡng và đào tạo cán bộ quản lý. Theo kế hoạch, khóa học này sẽ được thực hiện trong một năm (hai học kỳ) với các môn học về kinh tế, thẩm định dự án đầu tư, chính sách thương mại... Điều đặc biệt là chương trình học và giáo sư hướng dẫn đều là của Đại học Harvard. 

Để chuẩn bị cho khóa học, ký túc xá của trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh đã được đầu tư 200.000 USD để nâng cấp thành một Đại học Harvard nhỏ với diện tích 610 m, gồm 7 phòng học và làm việc đạt tiêu chuẩn quốc tế. Học viên tốt nghiệp khóa học này sẽ được Đại học Harvard cấp bằng tốt nghiệp theo chương trình Fulbright. 

Trong vài năm qua, chương trình này đã tuyển chọn những người có khả năng chuyên môn trong quản lý, giảng dạy và khả năng ngoại ngữ để đưa sang Mỹ đào tạo các bằng cao học và tiến sĩ. Nhưng bắt đầu từ năm nay, chương trình Fulbright sẽ chuyển sang một hình thức hoạt động mới: đào tạo tại chỗ ở Việt Nam.

Bảng từ

trí thức

say sưa

đòi hỏi

bức thiết

tồn tại

lý thuyết

chứng minh

đề xuất

khóa học

khai giảng

mục tiêu

bổ sung

chính quy

trình bày

thảo luận

miễn phí

tự nguyện

bồi dưỡng

dự án

cao học

tiến sĩ

phạm vi

V. Bài tập

1. So sánh với bài đọc thì những thông tin được đưa ra dưới đây đúng hay sai? Nếu sai thì bạn hãy chữa lại cho đúng: 

a. Từ khi về hưu giáo sư Dương Thiệu Tống luôn luôn đọc lại những tài liệu ông đã sưu tầm trong suốt quá trình giảng dạy.

b. Tham dự lớp học của ông bao gồm nhiều cán bộ giảng dạy ở mọi lứa tuổi.

c. Những tài liệu về khoa học mới nhất mà giáo sư có được là do ông đặt mua.

d. Ông là người đề xuất khai giảng lớp học từ năm 1982.

e. Những cán bộ giảng dạy trẻ tham dự lớp học ở nhà của ông có rất nhiều mục đích.

f. Chương trình đào tạo chính quy chưa kịp bổ sung những kiến thức mới.

g. Khóa học đầu tiên của Đại học Harvard tổ chức tại Việt Nang sẽ được các giáo sư của Đại học Harvard và giáo sư Việt Nam hướng dẫn.

h. Khi chọn người để đưa sang Mỹ đào tạo, chương trình này chỉ chọn những người có khả năng tiếng Anh.

i. Những học viên tốt nghiệp khóa này sẽ được trường Đại học Harvard cấp bằng. 

2. Trả lời những câu hỏi sau:

a. Giáo sư Dương Thiệu Tống quan niệm nghề giáo viên là nghề như thế nào? Bạn có quan niệm như thế không? Hãy nói thêm về những quan niệm của bạn?

b. Lớp học ở nhà giáo sư có gì khác những lớp học bình thường?

c. Theo bạn giáo sư Dương Thiệu Tống có mong muốn gì khi tổ chức lớp học này?

d. Qua bài đọc, bạn biết được gì về giáo sư?

đ. Những học viên tham dự lớp học đặc biệt ấy là người như thế nào?

e. Chương trình Fulbright được tổ chức nhằm mục đích gì?

g. Cơ sở vật chất của trường đã được chuẩn bị như thế nào?

h. Theo bạn, hình thức đào tạo tại chỗ này có ưu điểm gì? 

3. Điền từ vào chỗ trống:

khai giảng

trình bày

chương trình đào tạo

bằng cấp

chuyên môn

thảo luận

đề xuất

 

lý thuyết

a. Anh ấy không thích làm những công việc không đúng.....................

b. Ở Việt Nam, các trường học ....................... vào tháng 9.

c. Khi học ở lớp người ta học nhiều ....................... nhưng khi làm việc, người ta phải thực hành nhiều.

d. Chúng tôi thích ....................... hơn học lý thuyết.

e. Trong cuộc họp, từng người đứng lên và ....................... ý kiến.

f. Ở nước bạn, khi xin việc, người ta có đòi hỏi ............... không?

g. ....................... ở đại học chính quy và đại học không chính quy giống nhau.

4. Điền từ vào chỗ trống:

bằng cử nhân

trí thức

kiến thức

lý tưởng

miễn phí

thi học kỳ

 

sức học

 

a ........................ là những người làm việc bằng trí óc.

b. ......................là bằng dành cho những người đã tốt nghiệp đại học.

c. Lớp học mà trong đó các học viên không phải trả tiền học gọi là lớp học .......................

d. Những mục đích cao đẹp mà người ta luôn luôn cố gắng để đạt được gọi là ....................:..

e. ........................ là những điều hiểu biết mà người ta có được do học tập hoặc do từng trải.

f. Khả năng học tập còn gọi là .......................

g. Kỳ thi ở cuối mỗi học kỳ là ....................... 

5. Hãy nghe một tin ngắn về giáo dục và điền những từ còn thiếu vào chỗ trống :

Năm học này chính phủ Nhật sẽ cấp nhiều (1) ....................... cho sinh viên và (2) ....................... Việt Nam sang học tại Nhật. Các ngành (3) ....................... gồm tiếng Nhật, luật, kinh tế (4) ....................... Tuy nhiên số lượng học bổng cụ thể chưa được (5) ....................... chính thức.

(6) ....................... Nga cũng cấp 30 học bổng mỗi năm cho sinh viên Việt Nam học ở các trường (7) ....................... nước này. Trong khi đó, (8) ....................... Úc vẫn tiếp tục (9) ....................... khoảng 150 học bổng du học cho sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam, theo (10) .................. ký từ ba năm trước.

6. Nghe bài ''Một số thành tựu của ngành giáo dục Việt Nam'' 

7. Dựa vào thông tin bài nghe, anh chị hãy cho biết những con số dưới đây là số gì?

20.000

356.310

700.000

42

10.047.564

191

16.724

750.000

5.207.443

2,5 triệu

600

8.000

8. Hãy viết về mười yếu tố mà theo bạn sẽ quyết định sự thành công trong học tập, sau đó giải thích lý do. 

9. Hãy viết về một thầy giáo (hoặc cô giáo) mà đã để lại cho bạn ấn tượng sâu sắc.

VI Bài đọc thêm

Vấn đề giáo dục ở một số nước châu Á 

Khi giải thích về thành công ở một số nước châu Á, tất cả các nhà nghiên cứu đều nhất trí rằng nền tảng của chúng phụ thuộc vào chính nền giáo dục ở đây. Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc rất chú ý đến  việc nâng cao chất lượng giáo dục. 

Bên cạnh việc thúc đẩy giáo dục trong các trường đại học, họ còn đầu tư nhiều cho giáo dục tiểu học. Các trường ở đây áp dụng phương pháp giáo dục tâm lý và làm cho học sinh tin rằng bất kỳ ai cũng có thể thành công nếu chịu khó học tập, khiến các học sinh đua nhau học. 

Một số nguyên nhân khác cũng góp phần làm nên sự thành công của giáo dục Đông Á. Trẻ em ở đây rất chăm chỉ. Các môn học lý thuyết luôn được thực hành. Phiếu điểm của trẻ được gửi về gia đình hàng ngày để phụ huynh học sinh, thày hiệu trưởng và giáo viên chủ nhiệm có thể phối hợp giám sát, động viên sự tiến bộ của trẻ. Các giáo viên cũng được kính trọng và trả lương cao hơn các đồng nghiệp nước khác. 

Chưa bằng lòng với những thành tựu giáo dục đạt được trong những năm qua, hiện nay các nước này đang quyết tâm nâng cấp và hoàn thiện hệ thống giáo dục. Nhằm mục tiêu trên, giáo dục sẽ tập trung vào những điểm sau: 

Một là tăng cường tính độc lập và sáng tạo trong tư duy của học sinh phổ thông và sinh viên cao đẳng, đại học. Các môn học thuộc lòng sẽ giảm bớt. Những biện pháp đánh giá tư duy độc lập của học sinh được tăng cường kể cả biện pháp được phép tham khảo sách giáo khoa trong các kỳ thi và kiểm tra.  

Hai là sử dụng công nghệ thông tin. Giáo viên và học sinh đều được trang bị kiến thức cơ bản về tin học và huấn luyện sử dụng máy vi tính để có thể dễ dàng tiếp cận với mạng Intemet. Khi cần, họ có thể tra cứu tài liệu từ các trung tâm dữ kiện lớn nhất thế giới. Hiện nay, ở nhiều trường học, học sinh đã có thể sử dụng thành thạo máy tính, đĩa CD-ROM. 

Ba là mở rộng đào tạo đội ngũ kỹ sư đồng thời là những nhà quản lý Sinh viên tốt nghiệp các trường công nghệ không chỉ thông thạo công nghệ thực hành mà còn nắm vững kiến thức thuộc các lĩnh vực quản lý hành chính, luật pháp, kinh doanh. Những học sinh xuất sắc ở các trường phổ thông sẽ được ưu tiên tuyển thẳng vào các trường đại học danh tiếng. 

VII. Từ ngữ thông tục và thành ngữ

1. Một chín một mười 

Chín mười là những số lượng xấp xỉ nhau. Vì vậy cụm từ này hay được dùng trong sự so sánh tương đương, hơn kém không đáng kể.

Ví dụ:

a.- Mẹ xem quả táo nào to hơn.

   - Bằng nhau, một chín một mười. 

b. - Anh thấy cái tủ này thế nào?

   - Về hình thức so với cái kia cũng một chín một mười nhưng cái này có lẽ tốt hơn. 

2. Học tài thi phận 

Câu nói này phản ánh một việc đã từng có trong thực tế: những người học giỏi chưa chắc khi thi đã được điểm cao. Cuộc sống có số phận và dường như việc thi cử cũng có số phận. Lâu dần cách nói này hay được dùng để an ủi những người không đạt kết quả trong các kỳ thi bất kể học giỏi hay kém.

Ví dụ: - Nó học dốt hơn mình mà điểm lại cao hơn mình. Đúng là học tài thi phận.

          - Thằng Minh học kém nhất lớp mà lại đỗ cao, học tài thi phận có khác.

3. Học vẹt 

Vẹt là một loài chim có thể nói bắt chước con người nhưng không hiểu gì cả. Vậy nên những học sinh mà chỉ biết đọc thuộc lòng theo sách nhưng không hiểu gì cả thì bị gọi là học vẹt.

Ví dụ: - Phương pháp giáo dục mới là không bắt học sinh học vẹt.

          - Em không thích học vẹt.

 

 

联系我们

 

相关文章:
 
越南语相关课程

越南语C级第01课

越南语C级第02课

越南语C级第03课

越南语C级第04课

越南语C级第05课

越南语C级第06课

越南语C级第07课

越南语C级第08课

越南语C级第09课

越南语C级第10课

越南语C级第11课

越南语C级第12课

越南语C级第13课

越南语C级第14课

越南语C级第15课

越南语C级第16课

越南语C级第17课

 

 

 

 

凭祥市南方外语学校      地址:凭祥市中山路134号(北环路134号)