凭祥市南方外语学校 http://www.nanfangedu.cn
加入收藏
凭祥市南方外语学校
 首 页 | 学校简介 | 学习培训 | 越南概况 | 高等教育越南劳务| 联系咨询 | 下载中心
 

您现在的位置:下载中心 > 越南语B级 > 05课

 

Bài 5. Đi xem hội

 

I. Hội thoại

Lê:


- Tuấn ơi, ở đằng kia đông người quá!
 

Tuấn:


- Ừ, bọn mình đến nơi rồi đấy. Cậu đến hội Lim lần này là lần đầu tiên phải không?
 

Lê:


- Ừ, mình chỉ nghe nói hội Lim vui lắm chứ chưa bao giờ đến xem. Thế còn cậu, đi bao nhiêu lần rồi?
 

Tuấn:

 - Ồ, nhiều lắm, mình nhớ không xuể! Năm nào cả mình lẫn Thi, em mình cũng đều đi hội Lim. Nhưng năm nay nó đi với bạn chứ không đi với anh nữa.
 

Lê:

- Ô kìa, chỗ kia có đu bay, trông hay quá nhỉ?
 

Tuấn:


 - Lê, cậu có nghe thấy tiếng trống không? Ở chỗ đông người kia kìa! Họ xem đấu vật đấy!
 

Lê:

- Chà, đông như kiến! Vào xem được thì cả tớ lẫn cậu đều hết hơi!
 

Tuấn:

 - Ừ, chắc là không thể vào nổi. Lát nữa mình quay lại nhé. Lê ơi, cậu đã bao giờ xem đánh cờ người chưa?
 

Lê:

- Đánh cờ người à? Mình chỉ biết đánh cờ chứ chưa biết đánh cờ người thế nào. Ở hội Lim cũng có à?
 

Tuấn:

 - Có, rồi cậu sẽ thấy! nhưng mà bây giờ bọn mình đi xem hát quan họ trước nhé!
 

Lê:

 - Tuấn này, họ chỉ hát quan họ vào ban ngày chứ không hát vào ban đêm à?
 

Tuấn:

 - Không phải, các liền anh, liền chị hát quan họ cả ngày lẫn đêm. Nhưng ban đêm họ thường hát ở nhà hoặc trên thuyền. Bây giờ họ đang hát ở trên đồi cao kia kìa! Lên xem nhé!

 

Bảng từ

hội

hết hơi

hội Lim

đánh cờ người

đu bay

hát quan họ

trống

liền anh

đấu vật

liền chị

kiến

đồi

II.  Chú thích ngữ pháp

1........... đấy

a. Từ “đấy” đứng cuối câu hỏi, làm cho câu hỏi thêm thân mật

Ví dụ:

-         Chị đi đâu đấy?
 

-         Anh đang làm gì đấy?
 

b. Từ “đấy” đứng cuối câu trần thuật, dùng để biểu thị ý thông báo.

Ví dụ:

-         Đây là khách sạn Hà Nội đấy!
 

-         Tuần trước tớ đi hội Lim đấy!
 

2. A chứ không B/ A chứ chưa B

Kết cấu này dùng để khẳng định nội dung của vế đứng trước (A) đồng thời phủ định nội dung của vế đứng sau (B)

Mẫu:

Chủ ngữ + tính từ 1 + chứ không + tính từ 2

                động từ 1     chứ chưa       động từ 2

 

Ví dụ:

-         Bài tập này dễ chứ không khó.
 

-         Trời sắp tạnh mưa chứ chưa tạnh hẳn
 

-         Tôi gặp cô ấy chứ không gặp em cô ấy
 

3. Cả....lẫn...../Cả...........và............

Đây là cặp liên từ dùng để nhấn mạnh sự đẳng lập giữa hai người, 2 vật hoặc 2 sự vật. Vì vậy, sau cảlẫn/ và luôn luôn là các danh từ, không thể là động từ hay tính từ.

a. Nhấn mạnh chủ ngữ:

Mẫu:

Cả + chủ ngữ1+ lẫn/và + chủ ngữ2 + tính từ2

động từ2

 

Ví dụ:

-         Cả tôi lẫn em tôi đều học ở trường này
 

-         Cả tiếng Việt lẫn tiếng Nhật đều khó,
 

 

b. Nhấn mạnh bổ ngữ

Mẫu: 

Chủ ngữ + động từ+ bổ ngữ1 + lẫn/và + bổ ngữ 2

 

Ví dụ:

-         Anh ấy học cả tiếng Anh lẫn tiếng Nga
 

-         Chúng tôi đã đi du lịch cả Pháp và Mỹ
 

 

c. Nhấn mạnh trạng ngữ:

Mẫu:

Cả + trạng ngữ1+ lẫn/và + Trạng ngữ 2 + chủ ngữ + đều + động từ

Tính từ

 

Ví dụ:

-         Cả hôm qua lẫn hôm nay trời đều mưa
 

-         Cả khi đi học lẫn khi ở nhà, tôi đều buồn ngủ

4. ...............không xuể

Cụm từ này có ý nghĩa: không thể làm xong việc gì đó vì số lượng/ khối lượng công việc quá lớn.

Mẫu:

-         Chủ ngữ + động từ + không xuể

-         Chủ ngữ + không + động từ + xuể

 

Ví dụ:

-         Nhiều bài tập quá, anh ấy không làm xuể
 

-         Tôi không ăn xuể chỗ thức ăn này.
 

5. ............ không nổi

Cụm từ này có ý nghĩa : không thể làm được việc gì đó vì việc ấy quá khó.

Mẫu:

-         Chủ ngữ + động từ + không nổi

-         Chủ ngữ + không + động từ + nổi


 

Ví dụ:

-         Vấn đề này quá phức tạp, tôi giải quyết không nổi
 

-         Tôi không ăn nổi món ăn cô ấy nấu.
 

III Bài luyện

1. Dùng kết cấu “A chứ không B” để trả lời những câu hỏi sau:

Mẫu: - Cô khóc đấy à?

→ Không, cô ấy bị bụi vào mắt chứ không khóc.

a. Anh ấy là sinh viên à?

b. Em sắp đi thành phố Hồ Chí Minh phải không?

c. Bà ấy có béo không?

d. Hôm qua anh gọi điện cho em à?

e. Anh có thích nước cam không?

f. Anh về nước cuối năm nay phải không?

g. Hội Lim ở Hà Nội phải không chị?
 

2. Dùng kết cấu “A chứ không B” để đặt câu với các từ dưới đây:

Mẫu : trẻ - già

→ Anh Nam trẻ chứ không già.

a. xem đá bóng – xem phim

b.châu Âu – châu Á

c. nắng – mưa

d. khó - dễ

e. cay – chua

f. viêm họng - sốt

g. cũ - mới

h. ca sỹ Mỹ - ca sỹ Pháp

i. kimono – áo dài

k. bệnh viện – thư viện

l. dấu huyền - dấu hỏi 

4. Dùng kết cấu “cả.... lẫn/và” để biến đổi các câu sau:

Mẫu: Tôi và cô ấy là giáo viên

→ Cả tôi và cô ấy đều là giáo viên

a. Tôi và em gái tôi rất thích xem ca nhạc

b. Năm ngoái tôi và bạn tôi đi nghỉ mát ở Sầm Sơn

c. Anh ấy có thể nói thành thạo tiếng Anh và tiếng Pháp

d. Anh Nam đi vắng. Anh Thịnh cũng đi vắng

e. Tuần trước chị ấy nghỉ học. Tuần này chị ấy cũng nghỉ học

f. Nhật Bản và Mỹ được coi là cường quốc kinh tế

g. Hương năm nay 20 tuổi. Thanh bằng tuổi Hương

h. Khi uống trà, anh John cho sữa và mật ong.

i. Chúng tôi thuê tầng trên và tầng dưới ngôi nhà này

k. Lúc làm việc và lúc nghỉ ngơi, Hoàng đều nghĩ đến người yêu.

4. Dùng “xuể” hoặc “nổi” để hoàn thành các câu sau:

a. Bài tập này khó quá, tôi làm không..........

b. Vấn đề phức tạp qúa, nó không hiểu.........

c. Vì trong lớp quá ồn ào, tôi không nghe........... cô giáo nói gì.

d. Hôm nay tôi có rất nhiều việc phải làm, tôi lo là làm không...........

e. Trong cuộc họp, tôi đã gặp rất nhiều người. Tôi nhớ không..........

f. Cuốn từ điển trên giá cao quá, em ấy không với.....................

g. Trời ơi, nhiều tiền quá! cả nhà đếm cũng không....................

h. Chưa bao giờ nhà hàng đông như thế này. Nhân viên phục vụ không.......

i. Cô ấy rất khó làm quen. Tôi làm quen không..........

k. Hàng ngày, Đài Truyền hình Việt Nam nhận được rất nhiều thư, đọc không........... 

VI. Bài đọc

Hội Lim

Hàng năm, vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, người ta tổ chức lễ hội tại đồi Lim, xã Lũng Giang, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vào ngày này, cả người già lẫn người trẻ, đặc biệt là nam nữ thanh niên, đều rủ nhau đi xem hội. Không những người dân ở Bắc Ninh mà cả nhân dân ở các tỉnh lân cận như Hà Nội, Vĩnh Phú, Thái Nguyên cũng đến dự hội Lim. Ở hội Lim có nhiều trò chơi truyền thống như: đu bay, đấu vật, đánh cờ người, bơi thuyền, thi thổi xôi, thi hát quan họ v.v....Ai muốn chơi đều có thể tham gia. Người thắng sẽ được nhận phần thưởng, nhưng điều quan trọng không phải là vấn đề thắng thua, mà chủ yếu là mọi người cùng vui.

Nét đặc sắc của Hội Lim chính là những bài hát dân ca quan họ Bắc Ninh của các liền anh, liền chị vùng Kinh Bắc. Các liền anh mặc áo the, đội khăn xếp, còn các liền chị mặc áo tứ thân, đội nón ba tầm.... Họ gặp nhau, chào hỏi nhau, mời trầu, mời hát, nói chuyện..... đều bằng những câu hát quan họ. Họ hát quan họ ở cả trên đồi, trong nhà lẫn dưới thuyền. Hát quan họ đã trở thành một loại hình văn hoá dân gian độc đáo của vùng đồng bằng Bắc Bộ. 

Bảng từ

lễ hội

dân ca quan họ

nam nữ thanh niên

Kinh Bắc

lân cận

áo the

trò chơi

khăn xếp

bơi thuyền

áo tứ thân

thổi xôi

nón ba tầm

thắng

mời trầu

phần thưởng

loại hình

nét

dân gian

đặc sắc

 

V. Bài tập

1. Trả lời các câu hỏi về bài đọc

a. Hội Lim được tổ chức vào ngày nào?

b. Hội Lim được tổ chức ở đâu?

c. Ai thường đi xem hội Lim?

d. Ở hội Lim có những cuộc vui gì?

e. Điều quan trọng của các cuộc thi này là gì?

f. Cái gì được coi là nét đặc sắc của hội Lim?

g. Những người hát quan họ mặc như thế nào?

h. Họ chào hỏi, mời hát, nói chuyện.... có giống những người bình thường không?

i. Họ hát quan họ ở đâu?

k. Hát quan họ có ý nghĩa thế nào đối với văn hoá Việt Nam?

2. Sắp xếp các từ sau thành câu đúng:

Mẫu: tôi/cả/ lẫn/ anh/ thích/ đều/ phim

→ Cả tôi lẫn anh đều thích phim. 

a. học/Đại học Sư Phạm/ anh tôi/ lẫn/ cả/ chị tôi/ đều

b. từ mới/ xuể/ nhớ/ nhiều/ tôi/ không/ quá

c. thích/ chứ/ tôi/ mùa đông/ mùa hè/ không thích

d. viết/cho / thư / Tuấn / không / thư/ cho/ chứ / bạn Tuấn/ viết/ chị Tuấn

e. truyện/ quá / hiểu/ khó hiểu/ không/ nó / nổi/ này

f. lẫn/ nhạc sĩ/ này/ kia / ca sĩ/ nổi tiếng / cả / đều

g. đẹp/ hoa hồng/ hoa cúc/ đều/ và / cả

3. Những câu sau đây câu nào đúng, câu nào sai? Chữa lại những câu sai cho đúng.

a. Cả tôi và chị ấy đều không nhớ địa chỉ của anh ấy.

b. Bài tập dễ quá, nó làm không nổi

c. Tôi không đếm xuể số xe máy trên đường

d. Cả hôm qua lẫn hôm nay đều trời mưa

e. Tôi biết anh chứ không biết bạn anh

f. Em gái tôi học tiếng Pháp. Chứ không học tiếng Anh

g. Chủ nhật là ngày nghỉ chứ không ngày làm việc

4. Hoàn thành cuộc hội thoại sau:

-         Hùng ơi, ngày mai bọn tớ.......... hội đền Hùng, cậu có..................?

-    Ngày mai............ ngày kia à?

-         Ừ, vì ngày kia , nhiều............. đi hội lắm. Tớ sợ tắc đường.

-         Đền Hùng....... Hà Nội................?

-         Khoảng 60 km....... đi..............về là 120km. Đi nhé!

-         Thế à? Bọn mình đi...............?

-         Ừ, bằng ô tô. 6 giờ sáng khởi hành.

5. Nước bạn đang ở có nhiều lễ hội truyền thống không/ Hãy viết về một lễ hội mà bạn biết.

 

 

联系我们

 

相关文章:
 
越南语相关课程

越南语B第01课

越南语B第02课

越南语B第03课

越南语B第04课

越南语B第05课

越南语B第06课

越南语B第07课

越南语B第08课

越南语B第09课

越南语B第10课

越南语B第11课

越南语B第12课

越南语B第13课

越南语B第14课

越南语B第15课

越南语B第16课

 

 

凭祥市南方外语学校      地址:凭祥市中山路134号(北环路134号)